Lỗi viết câu của học sinh lớp 4 và cách khắc phục

Thực tế giảng dạy môn Tiếng Việt ở cấp tiểu học cho thấy học sinh mắc khá nhiều lỗi viết câu. Với kinh nghiệm của mình, cô giáo Hồ Thị Quý đã tổng kết những lỗi sai khi viết câu của học sinh lớp 4 và chia sẻ cách khắc phục các lỗi này cho học sinh.

Cùng với các môn học khác, môn Tiếng Việt ở Tiểu học nhằm giúp học sinh sử dụng tiếng Việt có hiệu quả trong giao tiếp, đồng thời phát triển các năng lực trí tuệ và các năng lực hoạt động của học sinh, giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ngôn từ tiếng Việt. Từ đó, các em vận dụng kiến thức tạo lập văn bản. Để viết được một bài văn, học sinh phải sử dụng ngôn ngữ và năng lực tư duy của mình. Năng lực đó thể hiện trước hết ở việc các em diễn đạt suy nghĩ của mình bằng các câu, hay liên kết các câu đó để bày tỏ những điều mình suy nghĩ.

6a. Untitled

Cô giáo Hồ Thị Quý bên các học sinh
Từ thực tiễn của việc dạy và học môn Tiếng Việt ở bậc Tiểu học, tôi nhận thấy để các em viết được câu đúng ngữ pháp, câu hay là vấn đề không đơn giản.
Hơn nữa ở các lớp dưới, các em mới chỉ đặt các câu đơn giản gồm hai thành phần chính đó là chủ ngữ và vị ngữ (câu đơn). Lên lớp 4, các em phải đặt câu có các thành phần phụ như trạng ngữ,…Đây là những kiến thức mới. Việc vận dụng ngữ pháp để đặt những câu này là vấn đề khó, bỡ ngỡ với các em. Do đó, còn nhiều em đặt câu sai, chưa hoàn chỉnh hoặc nội dung chưa rõ ràng, thoát ý. Qua thực tế dạy học, tôi nhận thấy học sinh thường mắc những lỗi sau:
Hệ thống những lỗi viết câu và nguyên nhân viết câu sai

  1. Lỗi trong câu

1.1. Lỗi về cấu tạo ngữ pháp.

– Lỗi thiếu thành phần câu.

* Câu thiếu chủ ngữ: Qua dự giờ và trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy những đề bài đặt câu theo một chủ đề nào đó thì số học sinh đặt câu thiếu chủ ngữ hầu như không có.

Ví dụ: Với yêu cầu “Đặt 3 câu về lớp em” thì hầu hết học sinh đặt được câu có chủ ngữ. Nhưng với những đề bài đặt câu không cho trước chủ đề thì tỉ lệ viết câu thiếu chủ ngữ có cao hơn đặc biệt trong viết đoạn văn ngắn. Câu thiếu chủ ngữ xuất hiện nhiều bởi nhiều học sinh nhầm đối tượng.

Ví dụ: Có hoa và đậu rất nhiều quả.

* Câu thiếu vị ngữ: Đó là những câu chỉ có một cụm danh từ.

Ví dụ: Lâu đài cổ kính.

Tỷ lệ học sinh viết câu thiếu vị ngữ nhiều hơn những câu thiếu chủ ngữ.

Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh nhầm tưởng những danh từ được phát triển dài là một câu, tưởng đã có nội dung thông báo trọn vẹn mặc dù ở đó mới chỉ nêu đối tượng thông báo.

* Câu thiếu cả thành phần chủ ngữ và vị ngữ

Những câu mắc lỗi sai, thiếu thành phần chủ ngữ và vị ngữ là những câu chỉ có thành phần trạng ngữ và cũng không nói được với những câu tiếp sau để tạo thành một câu mới có trạng ngữ.

Nguyên nhân của loại lỗi này là học sinh không hiểu rằng chủ ngữ không thể đứng sau quan hệ từ, các danh từ chỉ thời gian như khi, lúc… cần phải có bộ phận bổ sung nghĩa. Mặt khác thường là bộ phận đứng sau quan hệ từ được phát triển dài khiến học sinh tưởng là nó có nội dung thông báo.

Ví dụ: Đến ngày hoa phượng nở.

Trong ba loại câu thiếu thành phần thì tỉ lệ học sinh mắc lỗi sai câu thiếu thành phần chủ ngữ, vị ngữ nhiều hơn câu mắc lỗi thiếu cả chủ ngữ, vị ngữ.

– Lỗi thừa thành phần câu (lỗi diễn đạt rườm rà, dài dòng):

Là loại lỗi do câu có thành phần câu lặp lại một cách không cần thiết .

Đây là loại lỗi gặp phổ biến trong thực tế viết câu của học sinh hiện nay. Loại lỗi này, khi học sinh kiểm tra lại rất khó nhận biết, nó làm cho đoạn văn các em viết rất lủng củng.

Ví dụ: Trong nhà em có một người mà em rất yêu mến, đó là bà em rất kính yêu.

Nguyên nhân của loại lỗi này là do các em viết như nói nên câu văn không rành mạch, kỹ năng viết câu vào tình trạng kể lan man.

– Lỗi câu khó xác định nội dung biểu đạt, không lôgic về ý:

Là những câu về cấu tạo khó xác định các bộ phận câu kết hợp với nhau theo quan hệ ngữ pháp nào, từ đó khó xác định thành phần câu.Loại câu này có thể ngắn, có thể dài, càng dài, càng lỗi, càng lủng củng. Về ý nghĩa mối quan hệ giữa các bộ phận câu cũng không rõ ràng, chính xác không lôgíc. Do đó, các câu tối nghĩa hoặc vô nghĩa. Đây là loại lỗi thường gặp ở học sinh trung bình, trong các bài tập làm văn, ít gặp trong các bài tập đặt câu.

Nguyên nhân của loại lỗi này khá phức tạp, trước hết là học sinh không chuẩn bị cho mình một nội dung cần nói nên không phân cách được trong tư duy ra từng ý rạch ròi. Các em viết gần như trong tình trạng vô thức, nhớ từ nào, cụm từ nào là viết ngay trong bài, không tìm cách tổ chức, sắp xếp các cụm từ để biểu đạt nội dung. Đây là loại lỗi rất khó chữa, nhiều lúc phải trao đổi trực tiếp với học sinh mới biết các em muốn diễn đạt điều gì để chữa lại cho đúng. Loại lỗi câu sai này chiếm tỷ lệ lớn trong các lỗi câu, có thể thống kê các lỗi câu này như sau:

– Câu không xác định được thành phần.

Ví dụ: Quýt có hoa có quả khi quả chín nó lại có màu da cam và quả to có nhiều nước ăn ngọt lịm.

– Câu sắp xếp sai vị trí thành phần.

Ví dụ: Em thấy rất có ích đọc câu chuyện đó

– Các câu có một bộ phận cùng giữ hai chức năng ngữ pháp khác nhau trong câu.

Ví dụ: Em rất yêu quý những hàng phượng đã không còn xanh mướt như những ngày nào.

1.2. Lỗi về nghĩa .

– Câu sai nghĩa là những câu chứa đựng nội dung không phù hợp với hiện thực khách quan, phản ánh sai hiện thực khách quan.

Ví dụ: Con mèo nhà em như cái cặp sách.

– Câu không rõ nghĩa: Là câu thiếu thông tin. Đó là những câu đúng về mặt cấu tạo ngữ pháp, nghĩa là có đầy đủ thành phần chính, đúng về quan niệm ngữ nghĩa chung. Nhưng thật sự câu kiểu này còn thiếu thành phần phụ bổ nghĩa cho các từ trong câu, nên nghĩa câu không đầy đủ gây hụt hẫng cho người đọc.

Ví dụ: Mùa ổi xanh lá, em trèo cây.

– Câu không có sự tương hợp về nghĩa giữa các thành phần câu, giữa các vế câu. Loại lỗi này chiếm số lượng rất lớn và đa dạng. Có thể xem loại lỗi này là loại lỗi từ vựng – ngữ pháp.

Ví dụ: Cây cối xanh mơn mởn xào xạc trước gió

– Câu có các vế câu không tương hợp

Ví dụ: Trồng ổi sẽ thu được rất nhiều lợi, những đường gân nổi rõ như con rắn vậy

– Câu có tác dụng quan hệ giữa các thành phần không lô gíc không tương hợp là câu có các thành phần đồng chức không đồng loại.

Ví dụ: Hàng ngày em chăm sóc cây và đi rửa ấm chén.

Nguyên nhân là do học sinh không hiểu nghĩa từ và khả năng kết hợp của chúng.

1.3. Lỗi về hình thức, lỗi về dấu câu

Lỗi về dấu câu có thể chia làm 2 loại: Lỗi không dùng dấu câu và lỗi dùng dấu câu sai.

– Lỗi không dùng dấu câu: Là lỗi câu sai do không dùng dấu câu ở những phần cần thiết, thường học sinh mắc lỗi này do không sử dụng dấu chấm kết thúc câu và dấu phẩy ngăn cách giữa các thành phần câu. Có những bài viết các em không sử dụng một dấu câu nào. Loại lỗi này là một lỗi phổ biến.

Nguyên nhân của loại lỗi này là do học sinh đã vi phạm nguyên tắc sử dụng dấu câu. Khi đã kết thúc một ý phải đặt dấu ngắt câu. Việc không sử dụng dấu câu gây khó khăn trong giao tiếp khiến người đọc không thể nhanh chóng nắm được nội dung các em cần truyền đạt thậm chí có những trường hợp không xác định được ý muốn diễn tả.

Ví dụ: Lớp em có bạn Thành là học sinh giỏi và cũng là người bạn của em bạn còn là người con ngoan và hiếu thảo bạn và em đã giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn bạn đã rất quý và tôn trọng em còn em cũng đối xử với bạn ấy như vậy.

– Lỗi sử dụng dấu câu sai: Là lỗi của những câu đã sử dụng dấu câu khi không cần thiết hoặc đáng lẽ phải dùng dấu câu này, lại dùng dấu câu khác. Biểu hiện của lỗi là học sinh dùng dấu chấm ngắt câu khi chưa đúng ý, dùng dấu phẩy ngăn cách các thành phần chủ ngữ và vị ngữ, ngăn cách động từ với bổ ngữ, dùng dấu phẩy ngăn cách các thành phần chủ ngữ và vị ngữ, ngăn cách động từ với bổ ngữ, dấu hai chấm ngăn cách hai vế câu khi vế nọ không có ý giải thích cho vế kia. Phổ biến nhất trong loại lỗi này là câu dùng dấu chấm tuỳ tiện khi chưa hiểu ý, cắt đôi câu ra một cách vô lý.

Ví dụ: Em thấy hoa đỏ, mùi thơm, em rất thích loại hoa này, nó có thể làm đẹp khu vườn nhà em.

Việc học sinh không sử dụng dấu câu hoặc sử dụng sai dấu câu là do chưa biết áp dụng dấu câu trong việc diễn đạt nội dung, chưa nắm được cách sử dụng chúng.
6b. Untitled

  1. Lỗi ngoài câu

– Lỗi câu lạc chủ đề là lỗi do trong văn bản có những câu phá vỡ tính liên kết chủ đề của đoạn văn.

Ví dụ: Gần nhà em có một cây hoa sữa, thân cây sần sùi, gốc cây phình ra rất to, cành cây dài và rất mập mạp, lá cây xanh mơn mởn um tùm, em thích cây hoa sữa vì em thích uống sữa. Vào mùa hoa sữa nở, những bông hoa sữa nhỏ màu trắng li ti đậu thành chùm, hương hoa toả ngào ngạt.

– Lỗi do các câu trong văn bản mâu thuẫn với nhau về nghĩa, phá vỡ tính liên kết về nghĩa của văn bản tạo ra những câu liên kết không lô gíc. Loại lỗi này học sinh ít mắc phải.

– Lỗi lặp câu: Những câu này được xem là lặp lại vì lặp lại nhiều lần 1 từ, một ngữ, hay lặp lại một ý nghĩa nào đó trong những câu gần nhau. Đây là một sự lặp lại không cần thiết làm cho đoạn văn không phát triển được, lủng củng, tối nghĩa.

Ví dụ: Các bạn chơi với nhau rất vui vẻ, em và An cùng lớp với các bạn, các bạn và em học với nhau rất vui vẻ.

Giúp học sinh chữa những câu sai

  1. Các bước phát hiện, phân tích và chữa câu sai

Bước 1: Phát hiện và nhận diện lỗi:

+ Xác định chức năng của câu trong mối quan hệ với văn bản, ngữ cảnh và xét câu trong trạng thái độc lập.

+ (Tìm câu) sơ đồ cấu trúc tương ứng để diễn đạt ý định của người viết.

+ Đối chiếu câu sai để phát hiện được loại sai.

Bước 2: Phân tích nguyên nhân của câu sai

+ Phân tích các biểu hiện của câu sai để từ đó phát hiện lỗi sai.

+ Phân tích nguyên nhân dẫn đến trường hợp sai.

Bước 3: Sửa câu sai và thay câu sai bằng câu đúng

+ Đối chiếu với yêu cầu đã xác định ở bước 1 để xây dựng câu đúng.

+ Lựa chọn câu đúng để thay thế kiểm tra lại.

  1. Cách tổ chức chữa câu sai cho học sinh.

Việc sữa lỗi câu cần được tổ chức một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Khi hướng dẫn học sinh sửa lỗi câu cần:

+ Đưa ra các câu có lỗi sai điển hình.

+ Chỉ ra lỗi sai.

+ Xác định nguyên nhân dẫn đến lỗi sai

+ Đối chiếu câu đã sửa với câu sai, rút ra các lưu ý khi viết câu.

Cụ thể việc hướng dẫn sửa lỗi câu như sau:

Giáo viên gọi học sinh đọc câu (đoạn văn) mắc lỗi của mình (của bạn) lên.

Em có nhận xét gì về cách dùng từ (diễn đạt nội dung,…) ?

– Câu văn (đoạn văn) của em (của bạn) đã được chưa ? Sai ở đâu ?

– Em có thể sửa như thế nào ?

– Em hãy nhận xét câu đã được sửa và câu chưa sửa ?

2.1. Sửa lỗi viết câu trên cơ sở chữa những câu chung.

Để giúp các em nhận ra những lỗi sai của mình và nhanh chóng tiếp thu được cái đúng. Giáo viên phải có sự theo sát giúp đỡ đến từng cá nhân yếu kém, bởi lẽ đây là những học sinh có khả năng nhận thức yếu và chậm tiến. Việc tiếp thu bài của những em này ở trên lớp gặp khó khăn, những kiến thức đối với các em còn mơ hồ, đọng lại trong đầu không được nhiều. Mà thời gian đối với mỗi giáo viên có hạn, với thời gian trên lớp giáo viên phải phân bố sao cho đều tất cả các môn học.

Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để thực sự làm tốt biện pháp này, theo tôi chúng ta có thể sửa chữa lỗi câu của học sinh trên toàn lớp. Giáo viên cần lấy các ví dụ lỗi câu sai chung mà các em thường hay mắc, sau đó cho học sinh phân tích từng câu đó xem sai ở đâu, thiếu thành phần gì, có bị đảo lộn từ không… Biện pháp sửa chữa những lỗi câu đó như thế nào, giáo viên cho học sinh sửa lại những câu đó sao cho đúng và hay. Do vậy sẽ hạn chế được những lỗi sai về câu đó trong các bài tập làm văn sau.

Đặc biệt, giáo viên cần quan tâm đến các em học sinh yếu kém bằng nhiều hình thức như động viên, khuyến khích, quan tâm thường xuyên liên tục trong tất cả các môn học. Khi chấm bài của học sinh, giáo viên cần nhận xét rõ ràng từng sai sót để các em thấy được lỗi của mình.

– Giáo viên đọc mẫu một đoạn văn hay, một bài văn tốt về nội dung và bố cục, có sự sáng tạo; dùng từ và sắp xếp ý có sự liên kết. Giáo viên hỏi, hướng tìm ra cách dùng từ, diễn đạt ý hay để học sinh học tập.

2.2. Sửa lỗi viết câu thông qua thảo luận nhóm.

Giáo viên có thể cho hai em đổi chéo vở để tìm ra lỗi sai. Với hình thức này, tôi cho học sinh tạo thành nhóm đôi theo năng lực ( giỏi, khá, trung bình) hoặc đôi bạn cùng tiến. Các em đổi vở, đọc bài của bạn, phát hiện lỗi, nêu lỗi và hướng sửa, trao đổi xem bạn có đồng ý với cách sửa như vậy không , ngoài ra còn có thể phát hiện thêm một số lỗi giáo viên bỏ sót. Sau đó cùng trao đổi, kiểm tra và chữa lỗi với bạn        

2.3. Chấm bài và chữa bài trực tiếp với từng học sinh

Do đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh Tiểu học thích khám phá những sự vật, hiện tượng cụ thể, sinh động. Các em rất xúc động khi được thầy cô chỉ dẫn để tìm ra những đặc điểm mới của đối tượng. Chính tình cảm đó đã tác động không nhỏ vào việc giúp HS liên tưởng, tưởng tượng sáng tạo để có được những hình ảnh đẹp, những câu văn hay.

2.4. Chữa lỗi viết câu sai cho học sinh trong tất cả các môn học.

Muốn thực hiện được điều này thì việc trước tiên giáo viên phải sửa cho học sinh lỗi câu qua những câu trả lời miệng hàng ngày, trước những câu hỏi do giáo viên hay do người khác đặt ra. Câu trả lời của học sinh phải thật sự đầy đủ, rõ nghĩa. Nếu như các em trả lời chưa đúng, chưa đủ, chúng ta cần phải sửa chữa lỗi ngay cho các em từ lời ăn tiếng nói. Khi chấm bài kiểm tra tất cả các môn học ta cũng phải lưu ý cách sửa câu cho các em.

  1. Nguyên tắc chữa câu sai

3.1. Câu mới phải đúng về cấu tạo ngữ pháp, hợp lý về lô gíc và chứa thông tin mới

Ví dụ: Chữa bài toán khó.

Câu trên là câu sai vì thiếu chủ ngữ.

Cách chữa: thêm chủ ngữ cho câu: Cô giáo chữa bài toán khó.

Ví dụ: Những cành cây khẳng khiu và hiên ngang chống trả từng đợt gió lạnh thấu xương.

Câu trên sử dụng quan hệ từ “và” sai dẫn đến sai nghĩa.

Cách chữa tốt nhất là thay quan hệ từ “vẫn” cho phù hợp:

Những cành cây khẳng khiu vẫn hiên ngang chống trả từng đợt gió lạnh thấu xương.

3.2. Đảm bảo mối quan hệ giữa các câu trong văn bản:

Câu là một đơn vị thông báo nhỏ nhất của ngôn ngữ cho nên nó còn bị chi phối bởi hai loại quan hệ: Quan hệ hướng nội, quan hệ hướng ngoại. Tức là một mặt câu mới chữa phải đảm bảo các yêu cầu mà một câu đúng cần có. Mặt khác, nó phải liên kết với các câu hữu quan để thể hiện một chủ đề chung.

Ví dụ: Trong bài văn tả con gà trống, một học sinh lớp tôi đã viết câu kết như sau: “Em mong muốn con gà mái sẽ là người bạn yêu quý của mọi người vì gà đã làm được rất nhiều điều có ích giúp cho mọi người.”

Cách chữa: Câu trên cần chữa “gà mái” thành “gà trống” để hợp lô gíc và liên kết chặt chẽ với các câu khác trong việc thể hiện chủ đề tả con gà trống.

3.3. Khi chữa cố gắng giữ nguyên ý của người viết:

Để hiểu được ý định của người viết cần phân tích câu sai trong quá trình tạo câu. Trước tiên chúng ta phải chỉ ra sơ đồ cấu trúc của câu sai. Sau đó, chúng ta tìm các sơ đồ cấu trúc để diễn đạt lại nội dung, ý định của người viết. Đối chiếu sơ đồ cấu trúc câu sai với các sơ đồ cấu trúc sẽ chỉ ra chỗ lệch chuẩn của câu sai và từ đó chỉ ra cách sửa phù hợp. Câu mới chữa có cấu trúc và ý nghĩa gần với câu cũ là tốt nhất.

Ví dụ: Trong nhà em nuôi con gà trống lông tơ rất đẹp.

Câu trên có mô hình: TN, (CN) – VN

Cách chữa: Biến trạng ngữ thành chủ ngữ bằng cách bỏ “trong”

         Nhà em nuôi một con gà trống lông tơ rất đẹp.

Câu mới chữa vẫn giữ nguyên ý của người viết và có cách cấu tạo gần với câu cũ.
6c. Untitled

Một khoảnh khắc trên lớp

 

Đề xuất cách chữa một số lỗi viết câu

  1. Lỗi về cấu tạo ngữ pháp:

1.2. Câu thiếu thành phần:

– Câu thiếu chủ ngữ

        Ví dụ : Long lanh như thủy tinh.

Cách chữa:

Cách 1: Thêm chủ ngữ cho câu:

Đôi mắt long lanh như thủy tinh.

Cách 2: Chuyển vị ngữ thành bổ ngữ.

Đôi mắt chú sáng long lanh như thủy tinh.

– Câu thiếu vị ngữ:

Ví dụ 1: Đôi mắt hiền hậu với đôi lông mày cong cong.

Học sinh đã nhầm tưởng câu trên đã có giá trị thông báo trong khi đó nó chỉ nêu đối tượng thông báo, chưa có nội dung thông báo.

Cách chữa:

Cách 1: Thêm vị ngữ cho câu:

Đôi mắt hiền hậu với đôi lông mày cong cong trông rất đẹp.

Cách 2: Chuyển định ngữ thành vị ngữ:

         Đôi mắt cô thật hiền hậu dưới cặp lông mày cong cong.

Ví dụ 2: Chú mèo này, chú mèo Tam Thể.

Mô hình cấu tạo trên là CN- P – (VN).

Ở đây, học sinh nhầm tưởng “chú mèo Tam Thể “là VN trong khi đó thực chất nó chỉ là phần phụ giải thích rõ hơn cho “chú mèo này”.

Cách chữa: Biến phần phụ chú giải thành VN bằng cách thêm động từ “là”.

Cách 1: Chú mèo nàylà mèo Tam Thể.

CN                           VN

Cách 2: Thêm VN cho câu

       Chú mèo này,một chú mèo Tam Thể /có bộ lông rất đẹp.

                 CN               P                                       VN

– Câu thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ.

Ví dụ: Khi mùa hè đến. (Hoa phượng nở đỏ rực khắp sân trường)

Câu trên chỉ có một trạng ngữ nên thiếu nòng cốt câu.

Cách chữa:

Cách 1: Bỏ quan hệ từ “khi”. Câu mới sẽ là: Mùa hè đến.

Cách 2: Thêm chủ ngữ, vị ngữ để tạo câu mới.

         Khi mùa hè đến, ve kêu râm ran suốt ngày.

Cách 3: Khi mùa hè đến, hoa phượng nở đỏ rực khắp sân trường.

1.2. Câu thừa thành phần:

Ví dụ: Câu chuyện ấy tác giả khuyên chúng ta phải có tấm lòng nhân hậu.

Học sinh đã viết thừa từ “tác giả” hoặc cụm từ “câu chuyện ấy”.

Cả hai thành phần này đều có thể làm chủ ngữ của” khuyên chúng ta phải có tấm lòng nhân hậu ” nhưng lại không hợp với nhau về ý nghĩa.

Cách chữa :

Cách 1: Bỏ từ “tác giả”

Câu chuyên ấy khuyên chúng ta phải có tấm lòng nhân hậu.

Cách 2: Bỏ cụm danh từ “câu chuyện ấy”

Tác giả muốn khuyên chúng ta phải có tấm lòng nhân hậu.

Cách 3: Biến “câu chuyện ấy” thành trạng ngữ bằng cách thêm từ “qua”.

Qua câu chuyên ấy, tác giả khuyên chúng ta phải có tấm lòng nhân hậu.

Cách 4: Biến “tác giả” thành định ngữ của “câu chuyện ấy”.

Câu chuyện ấy của tác giả muốn khuyên chúng ta phải có tấm lòng nhân hậu.

1.3. Câu không phân định rõ thành phần

Ví dụ: Kỷ niệm về chú gấu bông bố đã tặng sinh nhật.

Chúng ta không thể xác định được các thành phần chủ ngữ, vị ngữ của câu trên.

Cách chữa: Thay đổi vị trí từ, cụm từ và thêm động từ “là”.

Chú gấu bông là món quà kỉ niệm bố em đã tặng nhân ngày sinh nhật.

Ví dụ: Cây bàng hàng ngày em thường ngồi ôn bài.

Câu trên sai do học sinh sắp xếp các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ không hợp lí. Điều này làm cho câu khó hiểu, vô nghĩa và không rõ các thành phần ngữ pháp.

Cách chữa: Sắp xếp lại các thành phần.

Hàng ngày, em thường ngồi ôn bài dưới gốc cây bàng này.

Ai cũng có một chút làm dáng

  1. Lỗi dùng từ:

Ví dụ: Mặt mẹ ướt sũng mồ hôi.

Câu này không có sự tương hợp giữa chủ ngữ và vị ngữ bởi không nói” khuôn mặt mẹ ướt sũng,vì “ướt sũng” chỉ nói tới cái ướt của những vật có thấm nước như quần, áo, chăn.

Cách chữa: Giáo viên giúp học sinh hiểu nghiã từ “ướt sũng”, cách dùng từ cho phù hợp. Từ đó học sinh sẽ thay vị ngữ bằng từ khác phù hợp.(Ví dụ: lấm tấm, ròng ròng,…)

Mặt mẹ lấm tấm mồ hôi.

         Hay : Mặt mẹ ròng ròng mồ hôi.

– Câu không rõ nghĩa:

Ví dụ: Hàng năm em về quê.

Ví dụ: Mùa ổi xanh lá, em trèo cây.

Cách chữa: Giáo viên giúp học sinh đặt câu hỏi” hàng năm em về quê để làm gì?, Em trèo cây để làm gì?. Từ đó học sinh sẽ tìm ra thành phần phụ bổ nghĩa cho các từ trong câu giúp người đọc hiểu đầy đủ nghĩa của câu.

Ví dụ: Hàng năm em về quê.thăm ông bà ngoại.

Ví dụ: Mùa ổi xanh lá, em trèo cây hái những quả chín vàng.

– Câu không có sự tương hợp về nghĩa giữa các thành phần câu, giữa các vế câu.

Ví dụ: Mỗi bữa em cho nó ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều. (Lúc nào emcũng cho nó nhiều thức ăn ngon)

Câu trên chúng ta thấy trạng ngữ và vế câu không tương hợp nhau, có sự mâu thuẫn giữa” mỗi bữa” với “sáng, trưa, chiều”

Cách chữa:

Cách 1- Sửa trạng ngữ:

Mỗi ngày em cho nó ăn ba bữa: sáng, trưa, chiều.

Cách 2- Kết hợp câu sau nó để tạo thành câu phù hợp.

         Mỗi bữa sáng, trưa, chiều em đều cho nó ăn nhiều thức ăn ngon.

6d. Untitled

Góp sách xây dựng thư viện ở trường tiểu học Đức Lâm

  1. Lỗi về hình thức, lỗi về dấu câu.

Ví dụ: Cái miệng nó có 6 chiếc răng nhọn gia đình em đặt tên cho nó là Tiểu Hổ cái đuôicủa nó dài hai mươi centimet con chuột nào thấy bóng Tiểu Hổ cũng sợ.

Cách chữa: Dùng dấu chấm câu tách các bộ phận có ý nghĩa trọn vẹn thành các câu (kết hợp với viết hoa chữ cái đầu câu).

Cái miệng nó có 6 chiếc răng nhọn để bắt chuột. Cái đuôi của nó dài hai mươi centimet. Gia đình em đặt tên cho nó là Tiểu Hổ. Con chuột nào thấy bóng Tiểu Hổ cũng sợ.

Ví dụ: Nhân dịp kỉ niệm ngày Thành lập Đoàn 26- 3. Trường em tổ chức tham quan Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trần Phú.

Cách chữa: Thay dấu chấm bằng dấu phảy, từ “Trường” không còn là đầu câu nên không viết hoa.

Nhân dịp kỉ niệm ngày Thành lập Đoàn 26- 3, trường em tổ chức tham quan Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Trần Phú.

  1. Lỗi lặp câu:

Ví dụ: Ở lớp, Lan là người học giỏi gần nhất lớp.

Cách chữa: Lan là người học giỏi gần nhất lớp em.

Hoặc: Ở lớp, Lan là người học giỏi gần thứ nhất.

Sau một thời gian tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng những biện pháp về việc sửa lỗi câu cho học sinh lớp 4, tôi thấy, số lượng các em viết đúng và hay về câu văn vẫn còn hạn chế nhưng những biện pháp sửa lỗi đã phần nào đã giúp các em học sinh nhìn nhận ra lỗi câu của mình để có biện pháp sửa chữa hợp lý. Đối với học sinh trung bình các em đã xác định đúng yêu cầu đề, biết viết câu văn đúng ngữ pháp, viết đoạn văn bài văn tương đối hình ảnh. Với học sinh có lực học tốt hơn, các em đã biết quan sát thực tế một cách chi tiết, biết sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong khi làm bài. Vì vậy bài viết của các em đã có nhiều sáng tạo và chuyển biến rõ rệt so với đầu năm.

Tóm lại, trong quá trình dạy học, giáo viên cần thường xuyên đánh giá chất lượng viết câu và khảo sát định kì vở viết các môn của học sinh để nắm được các em đang mắc lỗi về phần nào. Từ đó xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục kịp thời.Trong thời đại ngày nay, khi xã hội càng phát triển càng đòi hỏi con người khả năng giao tiếp tốt hơn trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường. Trong hoạt động giao tiếp, câu được coi là đơn vị trung tâm và từ là yếu tố không thể thiếu để tạo câu. Vì vậy, sửa lỗi câu cho học sinh là một việc làm cần thiết, thường xuyên và liên tục trong dạy học và cũng là để thực hiện nhiệm vụ “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, để nói và viết Tiếng Việt sao cho đúng, cho hay./.

                                                                      Hồ Thị Quý

Trả lời