BÁO CÁO THAM GIA HỘI THẢO “ĐẠO ĐỨC NGHỀ SƯ PHẠM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY”
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta khi bàn về vấn đề đạo đức của con người thì sẽ không quên nhắc đến các cụm từ như là: Lương y như từ mẫu; Trung với nước, hiếu với dân, Cô giáo như mẹ hiền…Nhất là khi nói về Nhà giáo, một nghề mà từ xưa đến nay được xã hội tôn trọng “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Vậy có khi nào trong mỗi chúng ta lại đặt ra cho mình câu hỏi rồi tự trả lời: “Tại sao nghề nhà giáo của chúng ta lại có được niềm vinh dự lớn lao như thế không?” Có lẽ đáp án cho câu hỏi trên không hoàn toàn khó khăn đối với bản thân ai đã tham gia vào công tác giáo dục. Điều đó dễ dàng lí giải, bởi vì làm nghề giáo chính là nghề dạy chữ, dạy người, là kĩ sư tâm hồn, là người vun trồng nên những mầm xanh và uốn nắn nên những “sản phẩm” tốt đẹp cho tương lai. Như vậy, để dạy được những người khác “nét chữ, nết người” thì trước hết mỗi chúng ta phải có được đầy đủ hệ thống kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, chúng ta cần phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu trong mọi hành động…Làm thế nào cho mọi người, đặc biệt là “những đứa con thân yêu” của chúng ta thấy đó là tấm gương sáng để noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”(1).
Tuy nhiên, trong một xã hội đang phát triển theo hướng đổi mới, toàn cầu hóa như ngày hôm nay và đất nước của chúng ta cũng đang phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta nhưng cũng không ít khó khăn, một trong những khó khăn đó là sự ảnh hưởng về mặt văn hóa (cụ thể là vấn đề về mặt đạo đức của con người)
Trong bối cảnh như hiện nay, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Chính vì lẽ đó, các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò noi theo và để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”(2).

Trong những năm vừa qua, nhìn chung đội ngũ nhà giáo đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp; tận tuỵ với công việc trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều nhà giáo đã chăm chút giữ gìn lương tâm, danh dự; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công việc; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, với đồng nghiệp. Trong công tác chuyên môn, thực hiện công bằng trong giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh; thực hiện đúng điều lệ, quy chế giáo dục, chống tiêu cực và bệnh thành tích. Trong công tác nghiên cứu, đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu mới của Chương trình cải cách giáo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nhà giáo thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, danh dự, lương tâm nhà giáo như nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, lạm thu tiền quỹ, thậm chí đánh học sinh, nghiện ma túy…
Trong công tác chuyên môn, chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; có trường hợp chưa thực sự tích cực học tập, nghiên cứu, khám phá cái mới; còn có biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, làm giảm uy tín, niềm tin của học sinh và phụ huynh đối với đội ngũ nhà giáo.
Những hiện tượng trên xuất phát từ những yếu kém trong trau rồi đạo đức người thầy của các trường sư phạm; công tác quản lý của các nhà trường; sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân nhà giáo; sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và một số nhận thức, hành động sai lệch của bộ phận phụ huynh và học sinh… Vì thế, cần sớm có các giải pháp khắc phục có hiệu quả.
GIẢI PHÁP:
Trước hết, vấn đề quan trọng để nâng cao đạo đức nhà giáo là xuất phát từ bản thân của từng người giáo viên. Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Chỉ có như vậy, mỗi nhà giáo mới thực sự yêu nghề, yêu người, hết lòng chăm lo, giáo dục học sinh. Để thực hiện được vấn đề trên, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải tự bồi dưỡng, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, đầu tư sức lực, trí tuệ cho từng bài giảng, tiết giảng; tích cực đấu tranh với những nhận thức lệch lạc về nghề dạy học, cùng những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo; khắc phục khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự rèn luyện, phấn đấu này là thường xuyên, liên tục: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(3)
Hai là, mỗi giáo viên cần phải thường xuyên bồi dưỡng năng lực, trình độ và phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ nhà giáo. Nâng cao năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm; khả năng tư duy khoa học.
Ba là, mỗi giáo viên cần có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của học sinh, của đồng nghiệp; tận tuỵ với công việc; Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (4), cũng như các quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức. Trong công tác chuyên môn, phải thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc.
Bên cạnh nâng cao ý thức của mỗi giáo viên thì cần phải kể đến trách nhiệm của Đảng, chính quyền, đoàn thể trong nhà trường cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, cấp quản lý phải quy định mỗi nhà giáo phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp, làm cơ sở để điều chỉnh hành vi, xác định ý chí quyết tâm, nhất là trước những tác động, ảnh hưởng, chi phối đến tình cảm, lòng yêu nghề của đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra cần quan tâm hơn nữa việc giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để đội ngũ nhà giáo phấn đấu, rèn luyện; xây dựng nhiều điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ nhà giáo. Phối hợp giữa nhà trường với địa phương, hội phụ huynh, cha mẹ học sinh trong góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhà giáo.

Người viết

Nguyễn Thị Tới
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.77 – 78.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr.507.
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.612.
(4) Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đạo đức nhà giáo.