Tám biện pháp triệt tiêu bạo lực học đường
Tác giả: TS Nguyễn Hoàng Chương
Xây dựng văn hóa nhà trường, lan tỏa câu chuyện tử tế, nâng cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, hiệu trường… là cách để hạn chế bạo lực.
Sáng 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường. Qua báo cáo, tham luận, chia sẻ của các trường phổ thông, đại học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền cấp tỉnh, nổi lên tám biện pháp triệt tiêu bạo lực học đường.
1. Xây dựng văn hóa nhà trường
Trách nhiệm trước hết là của hiệu trưởng, sự phối hợp với đoàn thể trong, ngoài nhà trường; sự đồng lòng và hành động đồng bộ của thầy trò. Văn hóa nhà trường có nội dung tương đồng và có điểm khác biệt giữa các cơ sở giáo dục.
Nhà trường công lập, tư thục hay trường công lập hoạt động theo mô hình tự chủ về tài chính, điều kiện tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục khác nhau về cơ sở vật chất, tài liệu, năng lực đội ngũ… Tuy nhiên, điểm chung nhất là không vun trồng giá trị của nhà trường, các hoạt động giáo dục sẽ đơn điệu, xơ cứng, tiềm ẩn suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn làm phát sinh bạo lực học đường.
Để ngăn chặn bạo lực, các trường học cần xây dựng văn hóa nhà trường. Ảnh: LAP
2. Giáo viên cần thay đổi
Giáo viên cần thay đổi mục tiêu, phương pháp giảng dạy, thói quen xấu để đạo đức nhà giáo tỏa sáng. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng xây dựng trường học an toàn, tích cực, thân thiện. Con đường để nhà giáo thay đổi là tự học, tự bồi dưỡng.
Có rất nhiều thách thức do khó khăn về đời sống, áp lực công việc, nhưng muốn học sinh tiến bộ, trở thành những công dân tử tế của ngày mai, nhà giáo phải tự học, cập nhật kiến thức, thêm vốn sống, kỹ năng để thay đổi phương pháp, làm chủ thiết bị công nghệ. Có như thế, hoạt động giáo dục luôn mang đến sự năng động, tự tin, thoải mái cho học sinh.
3. Tâm lý giáo dục học đồng hành với phương pháp dạy học
Đổi mới phương pháp dạy học được triển khai nhiều thời gian qua, bước đầu tạo sự thay đổi. Tuy nhiên, phương pháp dạy học chỉ thẩm thấu đến những học sinh chủ động, những em lẽ ra cần được quan tâm khi áp dụng phương pháp mới thì lại đứng bên lề.
Để phương pháp dạy học phát huy hiệu quả và phủ kín đến mọi đối tượng trong lớp, nhà giáo phải am hiểu tâm lý giáo dục. Có thể ví tâm lý giáo dục như con thuyền chở phương pháp dạy học đổi mới đến bờ thành công.
4.Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Phải có sự định hướng của nhà trường, tiếp tục vun trồng ở gia đình và phát triển của xã hội (bao gồm cả chế tài) thì học sinh mới kỷ luật, trách nhiệm, khoan dung. Sự phối hợp phải trên tinh thần tự trọng, trách nhiệm, kịp thời chia sẻ thông tin.
Do nhận thức, đùn đẩy trách nhiệm nên nội dung dạy học tại trường không được vận dụng tại gia đình và xã hội, hệ quả là sự định hướng bị… giậm chân tại chỗ.
5.Trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp
Để trường học an toàn, không xảy ra bạo lực học đường đòi hỏi hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được tình hình, xử lý tình huống một cách khéo léo, kịp thời, phù hợp tâm lý (phụ huynh, học sinh) và đúng quy định hiện hành. Trường học kỷ cương, tình thương, trách nhiệm phải là tâm niệm và hành động của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp trong mỗi ngày đến trường.
Quản trị học đường hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào hiệu trưởng – linh hồn của một nhà trường, giáo viên chủ nhiệm – hiệu trưởng của một lớp. Nếu thực hiện đúng chức trách được giao, nhà trường sẽ an toàn, nói không với bạo lực.
6.Phong trào trong nhà trường “rộng” nhưng cần “sâu”
“Rộng” để đáp ứng, “sâu” để thay đổi, mọi người cùng thay đổi. Bên cạnh đó, “rộng” là định hướng, “sâu” là tư tưởng, triết lý, giá trị cao đẹp mà giáo dục vận dụng để xây dựng thế hệ trẻ khỏe khoắn, trung thực, trách nhiệm, khoan dung, sáng tạo. Chăm vào “rộng” mà nhẹ “sâu” là bệnh thành tích, đối phó, lẽ tất nhiên hiệu quả không đạt được như mong muốn.
7.Không một học sinh nào bị bỏ rơi
Nhìn lại những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây, những học sinh bị bỏ rơi, ít nhiều tham gia vào bạo lực. Yêu thương không thể tự có mà phải bắt đầu từ kỹ năng (mang tính tự phát), lâu dần thành thói quen.
Lứa tuổi học sinh phổ thông hiếu động, bồng bột, thích thể hiện mình, muốn được quan tâm nhưng ngại chia sẻ về tình cảm, sự khó khăn đang đối mặt. Người thầy cần quan tâm đến từng học sinh, đặt ra yêu cầu thích hợp để học sinh tiến bộ. Mục tiêu đổi mới giáo dục đã nhấn mạnh, quá trình đổi mới phải mang đến sự thay đổi cho từng học sinh.
8.Mỗi ngày một câu chuyện tử tế
Những câu chuyện, bài học, hình ảnh về thầy trò, phụ huynh và của những ai hết lòng vì sự nghiệp giáo dục sẽ giúp nét đẹp học đường được tỏa sáng. Tiếng lành đồn xa, xã hội hiểu thêm, có niềm tin vào giáo dục, giúp thầy cô vững vàng trên bục giảng. Lúc ấy, mỗi tiết học, mỗi ngày đến trường, hoạt động của thầy và trò luôn là chuyện tử tế.
Tác giả: TS Nguyễn Hoàng Chương