ĐẠO ĐỨC NGHỀ SƯ PHẠM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY – Tác giả: Nguyễn Duy Hiếu

Tên file: O-ĐỨC-NGHỀ-SƯ-PHẠM-TRONG-BỐI-CẢNH-HIỆN-NAY”-Hiếu.docx
Tải về

“ĐẠO ĐỨC NGHỀ SƯ PHẠM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY”
Tác giả: Nguyễn Duy Hiếu

+ Thực trạng:
Như chúng ta đã biết đạo đức nhà giáo có vai trò rất quan trọng, nó góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các thầy cô giáo phải thực sự là tấm “gương sáng” để mọi thế hệ học trò noi theo và để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
Nhưng hiện tại, qua thông tin từ báo đài chúng ta được biết có một số thầy cô giáo ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh bằng những hình phạt gây bất bình trong xã hội như vụ việc cô giáo phạt học sinh quỳ cả một tiết học ở trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ồn ào hơn, là ngay sau khi sự việc xảy ra, thì phụ huynh của học sinh bị cô giáo phạt quỳ cũng bắt cô giáo quỳ để “trả thù”. Vụ việc khiến cả xã hội xôn xao, gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Dù việc xảy ra có cả lỗi của học sinh, phụ huynh và giáo viên nhưng không thể không đặt ra câu hỏi cho cách ứng xử của người thầy và đạo đức của người làm nghề giáo. Nặng nề hơn là Hiệu trưởng của trường này cũng vừa bị cách chức do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành và xử lý vụ việc chưa đến nơi đến chốn.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì mới đây, cả xã hội lại bị sốc khi báo chí đồng loạt đưa tin về việc một giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng. Không chỉ phụ huynh của học sinh là nạn nhân trong hình phạt độc ác và vô cảm này tức giận mà cả những người trong nghề, ngoài nghề lẫn toàn ngành sự phạm đều lên tiếng khẳng định đó là hành động không thể dung tha được, thiếu nhân cách của một số thầy giáo, cô giáo đang làm cho hình ảnh cao quý của người thầy trở nên méo mó, gây ra những hậu quả khó lường cho thế hệ tương lai. Điều đó càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một số bộ phận giáo viên, đòi hỏi không chỉ ngành sư phạm, các nhà quản lý giáo dục mà cả xã hội phải chung tay để khôi phục lại hình ảnh, đạo đức và vị thế của người thầy.
Tuy nhiên trong thời gian qua, không phải không có những mặt tiến bộ tích cực của ngành sư phạm và đã có nhiều hành động đẹp, nhiều tấm gương thầy, cô giáo thực hiện nhiều việc tốt trong sự nghiệp trồng người được cả xã hội ca ngợi như các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (THCS) Trung Thượng, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Nhiều năm qua, các thầy cô luôn thức khuya, dậy sớm tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho các em học sinh bán trú của nhà trường. Hay như cô giáo Trần Thị Thúy-trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên– người đã giúp học sinh của mình được tham gia vào những lớp học xuyên biên giới chỉ với một chiếc máy tính có internet và công cụ kết nối ứng dụng skype. Nhờ sự nỗ lực, sáng tạo của cô giáo trường huyện, hầu hết học sinh đã từng tham gia những lớp học của cô đều có thể tự tin giao tiếp với những người bạn quốc tế (1).
Với truyền thống hiếu học và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, người thầy và nghề dạy học ở nước ta luôn được tôn vinh. Trong thực tế có rất nhiều tấm gương các nhà giáo hết lòng yêu nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và được rất nhiều thế hệ học trò kính trọng. Có rất nhiều thầy, cô giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã vượt qua rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” vẻ vang. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua ngành giáo dục và xã hội không khỏi đau lòng trước hiện tượng có những giáo viên thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như bạo hành, lăng mạ học sinh, nhất là những vụ việc bạo hành trẻ em ở một số trường mầm non. Thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, đánh giá không khách quan người học… Những hiện tượng này tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng dễ tạo nên bức xúc và phản cảm trong xã hội. Những sự việc này nếu không được nhìn nhận thấu đáo, khách quan sẽ dẫn đến đánh giá quy chụp nghề giáo và đội ngũ giáo viên hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt” (2).
+ Giải pháp:
Để nâng cao đạo đức nhà giáo trong thời điểm hiện nay, theo tôi cần có những giải pháp sau đây:
– Mỗi bản thân các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức để học sinh noi theo, cần gắn hoạt động này với các phong trào, cuộc vận động trong ngành giáo dục và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi nhà giáo phải luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
– Mỗi bản thân các thầy, cô giáo phải không ngừng học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý. Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (3), không được bằng lòng hay thoả mãn với trình độ hiện có của mình.
– Mỗi bản thân các thầy, cô giáo phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của họ trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống. Bởi lẽ, sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò và sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo.
– Các nhà quản lý giáo dục cần nắm bắt, giải quyết tốt nguyện vọng và các lợi ích chính đáng, thiết thực của đội ngũ nhà giáo, để kịp thời động viên họ yên tâm công tác, ra sức học tập, phấn đấu trau dồi hơn nữa chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Quan tâm thực hiện tốt chế độ ưu đãi, khen thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với nhà giáo, nhất là những nhà giáo có trình độ, có học hàm, học vị cao, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Mặt khác, khi xem xét, giải quyết và bảo đảm các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo phải thực sự dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời, chính xác. Kiên quyết đấu tranh, lên án và khắc phục kịp thời mọi biểu hiện vi phạm trong thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục đối với các nhà giáo.
– Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn, xử lý nghiêm những sai phạm của một số giáo viên vi phạm tư cách và đạo đức nhà giáo. Những biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài và thực chất, không chạy theo mỗi chiến dịch để xây dựng thành nề nếp hình ảnh nhà giáo mẫu mực, làm gương sáng cho học trò noi theo.
– Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, đừng để như mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 vừa qua, nhiều trường sư phạm có điểm trúng tuyển rất thấp. Ngành sư phạm chưa thu hút được nhân tài.
– Nội dung chương trình SGK hiện tại còn nặng về kiến thức, chưa có chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, vì vậy việc biên soạn SGK mới trong thời gian tới cần chú ý giáo dục thế hệ sinh viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần đưa nước nhà vững bước tiến cùng các dân tộc tiên tiến, xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Họ và tên: Nguyễn Duy Hiếu
Năm sinh:1972
Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Mỹ Hòa 1
Email:duyhieungn.72@gmail.com
SĐT liên lạc: 0989050387
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, Báo Mới.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.77 – 78.
(3) Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đạo đức nhà giáo.

Trả lời