“Để nói về vai trò của hoạt động trải nghiệm đối với giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng thì chúng ta phải xuất phát từ mục đích giáo dục của chúng ta là gì. Nhiều người cho rằng vai trò giáo dục, của giáo viên, của nhà trường là truyền thụ kiến thức cho học sinh là một cách hiểu sai lầm” – PGS.TS. Nguyễn Hữu Hợp chia sẻ.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hợp chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Đang có quan niệm sai lầm về vai trò giáo dục
Tại buổi tọa đàm “ Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông” nhân sự kiện ra mắt bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hợp – giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích: “Vai trò của giáo dục, của nhà trường, của giáo viên không phải là truyền thụ kiến thức cho học sinh. Vì sao tôi nói vậy? Thứ nhất, kiến thức không phải là kết quả quan trọng nhất mà giáo dục mang lại cho học sinh. Kiến thức thì con người có thể thu lượm qua nhiều kênh khác nhau như tivi, đọc sách, qua những câu chuyện của bố mẹ … Con người hoàn toàn có được những kiến thức mà những kiến thức đó không cần các thầy cô dạy.
Thứ hai là truyền thụ, khi nói đến truyền thụ tức là chúng ta đang rót vào đầu học sinh một mớ kiến thức nào đó mà không biết học sinh tiếp thu, tiếp nhận như thế nào.
Thứ ba, khi chúng ta học truyền thụ kiến thức thì coi trọng kết quả mà không coi trọng đến quá trình. Vậy giáo dục phải đặt ra mục tiêu như thế nào thì mới là đúng?
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, mục đích giáo dục phải là làm cho con người thông minh và hạnh phúc. Đó là mục đích cao cả của giáo dục. Mỗi thầy cô phải làm sao cho mỗi một học sinh trở nên thông minh và hạnh phúc.
Vừa rồi các đoàn chuyên gia của Phần Lan sang Việt Nam thì họ có phát biểu với một ý tưởng rất hay đó là: Kết quả giáo dục là gì không quan trọng, quan trọng là học sinh học như thế nào. Nghĩa là học sinh đến kết quả như thế nào và quá trình mới quan trọng. Như vậy nếu chúng ta nói truyền thụ kiến thức là vô tình nhồi nhét vào đầu học sinh những kiến thức mà chưa chắc các em đã lĩnh hội được” – PGS Hợp chia sẻ.
Giáo dục trải nghiệm giúp học sinh thông minh và hạnh phúc
PGS Hợp cũng cho biết, theo Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner thì mọi học sinh đều thông minh. Ông Howard Gardner cho rằng trí thông minh của con người rất đa dạng. Ông đưa ra 8 trí thông minh gồm Logic Toán học, Ngôn ngữ, Vận động, Âm nhạc, Nội tâm, Tự nhiên học, Không gian.
Trong khi đó giáo dục tiểu học của chúng ta thì như thế nào? Các bậc phụ huynh quan niệm ra sao? Đó chính là, đã giỏi thì phải giỏi Toán, Tiếng Việt, còn các lĩnh vực khác có giỏi cũng không là gì. Đó là quan niệm phổ biến nhưng hết sức sai lầm.
“Chúng ta thử xem những con người thành đạt trong xã hội hiện nay, những người nổi tiếng có phải giỏi Toán, Tiếng Việt hay không? Chẳng hạn như Công Vinh, Thủy Tiên… Tôi nghĩ những người này không hẳn giỏi Toán mà người ta giỏi lĩnh vực khác. Do đó sứ mệnh của giáo dục là phải phát hiện ra những đứa trẻ đó có những điểm thông minh, nổi bật gì và phát triển trí thông minh đó cho trẻ” – PGS Hợp nói.
“Chúng ta cần phải xem con có năng khiếu gì và phát triển năng khiếu đó cho trẻ. Phải làm sao mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc, chúng ta đã làm được chưa? Tôi cho rằng về cơ bản chúng ta chưa làm được. Chúng ta chưa làm được cho đứa trẻ thông minh, chưa làm được cho học sinh trở nên hạnh phúc”.
Giáo dục trải nghiệm sẽ giúp học sinh thông minh và hạnh phúc hơn.
Cũng theo PGS Hợp, chính giáo dục trải nghiệm đã góp phần giúp cho học sinh phát triển được tư duy và làm cho học sinh trở nên hạnh phúc và trở nên thông minh. Giáo dục trải nghiệm giúp hình thành năng lực khác nhau trong đó có năng lực tư duy. Điều này gắn liền với bối cảnh thực tiễn và chính giáo dục trải nghiệm đặt học sinh như là một công dân trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Đó là điều kiện tiên quyết để hình thành năng lực cho học sinh. Chừng nào chúng ta còn dạy học qua sách vở, chỉ cho học sinh làm bài tập qua sách vở thì khó hình thành năng lực, đặc biệt là năng lực thực tiễn.
Góc độ thứ hai là hạnh phúc của đứa trẻ: Khi đứa trẻ đến trường, nếu các em được tiếp xúc thân thiện với những người xung quanh, được hòa mình vào xã hội, được phát triển tư duy, phát triển trí thông minh vốn có của mình… thì rõ ràng các em có đầy đủ các cơ hội để được hạnh phúc.
Như vậy có nghĩa chúng ta đã hình thành được năng lực, phẩm chất cho học sinh. Đây chính là mục đích cao cả của giáo dục chứ không dừng lại ở tri thức.
Cũng tại buổi tọa đàm, thầy Nguyễn Quốc Vương, giảng viên Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử, ĐH Kanazawa (Nhật Bản), tác giả chủ biên bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” , NXB ĐHSP xuất bản tháng 8 năm 2017 cho biết: Nội dung mỗi chủ đề và cách thức tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm được biên soạn theo hướng mới, không chú trọng vào việc truyền đạt các tri thức khoa học một cách có hệ thống mà chủ yếu coi trọng kinh nghiệm đời sống của các em nhằm phát triển và mở rộng vốn sống. Trên cơ sở đó hình thành, phát triển ở học sinh các năng lực, phẩm chất có ích trong đời sống thường ngày.
Bộ sách cũng hướng dẫn cách đánh giá học sinh dựa trên hồ sơ học tập, quan sát và các sản phẩm do các em tạo ra trong quá trình trải nghiệm. Sách cũng nhấn mạnh việc quan sát và đánh giá sự tiến bộ của các em trong cuộc sống thường ngày dựa trên quan điểm cho rằng mục đích cuối cùng của các hoạt động trải nghiệm là giúp học sinh giải quyết được các vấn đề trong học tập, đời sống và ngày càng nâng cao chất lượng đời sống của bản thân.
Do đối tượng hướng tới là học sinh tiểu học nên bộ sách được thiết kế theo phong cách hiện đại với các tranh vẽ được lựa chọn có cân nhắc tới mối quan tâm, hứng thú của các em. Các tranh, ảnh có trong sách không chỉ đơn giản là hình minh họa mà còn là nguồn thông tin để học sinh khai thác, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết.
Nguyễn Hùng